Nội dung chính
Có phải bất cứ khi nào có giao dịch, mua bán hàng hóa đều phải xuất hóa đơn không? Việc xuất hóa đơn cần tuân theo quy định của pháp luật. Vậy quy định về xuất hóa đơn là như thế nào? Trường hợp nào bắt buộc phải xuất hóa đơn? Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin để chúng ta hiểu hơn về quy định về xuất hóa đơn khi bán hàng.
Quy định về trường hợp xuất hoá đơn
Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về hóa đơn chứng từ như sau:
“Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”
Theo đó, khi bán hàng hóa hay cung cấp dịch vụ thì người bán cần thực hiện việc lập hóa đơn rồi giao cho người mua. Đối với những sản phẩm, hàng hóa được luân chuyển ở nội bộ và tiếp tục sản xuất thì không bắt buộc.
Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về thời điểm lập hóa đơn:
“Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.”
Theo đó:
- Thời gian lập hóa đơn chính là lúc chuyển quyền sở hữu hay sử dụng sản phẩm, hàng hóa, hoàn thành việc cung cấp dịch vụ mà không cần phân biệt chưa thu hay đã thu tiền.
- Đối với trường hợp có thực hiện việc thu tiền trong hoặc trước lúc cung cấp các dịch vụ thì thời gian lập hóa đơn chính là lúc thu tiền (trừ trường hợp có thu tiền tạm ứng hoặc tiền đặt cọc).
- Nếu giao hàng hay bàn giao theo từng hạng mục, dịch vụ, công đoạn thì theo mỗi lần giao sản phẩm hay bàn giao cần phải lập hóa đơn dịch vụ, hàng hóa tương ứng.
Thông tư 39/2014/TT-BTC cũng có quy định:
“Cơ sở nhận nhập khẩu ủy thác khi xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác, nếu đã nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu thì lập hóa đơn GTGT để cơ sở đi ủy thác nhập khẩu làm căn cứ kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa ủy thác nhập khẩu. Trường hợp cơ sở nhận nhập khẩu ủy thác chưa nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, khi xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác, cơ sở lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo lệnh điều động nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi đã nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu cho hàng hóa nhập khẩu ủy thác, cơ sở mới lập hóa đơn theo quy định trên.
Trường hợp ủy thác xuất khẩu hàng hóa, khi xuất hàng giao cho cơ sở nhận ủy thác, cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo lệnh điều động nội bộ. Khi hàng hóa đã thực xuất khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan, cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu lập hóa đơn GTGT để kê khai nộp thuế, hoàn thuế GTGT hoặc hóa đơn bán hàng”.
Trường hợp nào bắt buộc phải thực hiện quy định về xuất hoá đơn
Các doanh nghiệp, công ty khi bán sản phẩm, hàng hóa hay cung cấp dịch vụ, người bán cần phải thực hiên quy định về xuất hóa đơn cho người mua. Kể cả là sản phẩm, hàng hóa biếu tặng, khuyến mãi, hàng mẫu, trao đổi,…
Trước ngày 01/11/2020:
- Hóa đơn giấy: Bao gồm hóa đơn tự in, đặt in, mua từ cơ quan thuế.
Khi bán sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa dưới mức giá 200.000 đồng theo mỗi lần bán, người bán không phải lập hóa đơn mà chỉ cần làm bảng kê khai bán lẻ nếu như người mua không có yêu cầu. Trong trường hợp người mua có yêu cầu thì người bán phải thực hiện việc quy định về xuất hóa đơn của pháp luật.
- Hóa đơn điện tử: Đối với hàng hóa hay dịch vụ có giá trị từ 200.000 đồng trở lên thì người bán cần phải thực hiện việc quy định về xuất hóa đơn kể cả khi người mua không có yêu cầu. Trường hợp giá trị hàng hóa dưới 200.000 đồng mà người mua có yêu cầu thực hiện quy định về xuất hóa đơn thì người bán cũng cần phải thực hiện.
Sau ngày 01/11/2020:
Các doanh nghiệp, công ty không được phát hành, in ấn hóa đơn giấy. Trong trường hợp còn hóa đơn giấy thì doanh nghiệp được phép dùng song song với hóa đơn điện tử.
Khi bán sản phẩm, hàng hóa hoặc cung cấp các dịch vụ không có phân biệt giá trị của mỗi lần bán, người bán đều cần phải lập hóa đơn giao cho người mua. Tất cả các doanh nghiệp đều phải bắt buộc dùng hóa đơn điện tử theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, từ ngày 01/11/2020, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân khi cung cấp các dịch vụ, bán hàng cần phải lập hóa đơn điện tử, có ghi đủ nội dung và không có phân biệt giá trị mỗi lần bán, kể cả người mua có yêu cầu hay không yêu cầu lấy hóa đơn.
Bán hàng không xuất hoá đơn GTGT mức phạt như thế nào?
Các doanh nghiệp, công ty không thực hiện quy định về xuất hóa đơn thì sẽ bị phạt theo đúng quy định của pháp luật ở Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP:
- Từ 500 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng nếu như không thực hiện việc lập hóa đơn tổng hợp theo đúng quy định trong việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ (hàng hóa biếu tặng, khuyến mại, hàng mẫu,…)
- Từ 10 triệu đồng – 20 triệu đồng (chỉ trừ các hành vi được quy định trên).
Quy định trường hợp không cần xuất hoá đơn GTGT
Theo Thông tư 219/2013/TT-BTC:
Cá nhân, tổ chức nhận những khoản thu bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải, những khoản thu tài chính khác không cần phải kê khai và tính nộp thuế GTGT.
Theo Thông tư 39/2014/TT-BTC:
Khi bán hàng hóa, sản phẩm, cung cấp dịch vụ có giá trị dưới mức 200 ngàn đồng, bên bán không cần phải lập hóa đơn. Nhưng nếu bên mua có yêu cầu thì cần phải lập hóa đơn. Vào cuối mỗi ngày thì doanh nghiệp phải lập hóa đơn GTGT hay hóa đơn bán hàng có ghi tất cả số tiền của toàn bộ dịch vụ, hàng hóa đã bán được trong ngày đó.
Theo Thông tư 119/2014/TT-BTC:
Những trường hợp các doanh nghiệp tự xây dựng, sản xuất tài sản cố định để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh có chịu thuế GTGT, cần lập hóa đơn khi hoàn thành, bàn giao hay nghiệm thu.
Những trường hợp xuất thiết bị, máy móc, hàng hóa, vật tư dưới hình thức mượn, vay, trả lại, nếu như có đủ hợp đồng, chứng từ liên quan thì doanh nghiệp không cần phải lập hóa đơn hay tính và nộp thuế GTGT.
Theo Thông tư 26/2015/TT-BTC:
Nếu xuất sản phẩm, hàng hóa luân chuyển hoặc tiêu dùng nội bộ nhằm tiếp tục cho quá trình kinh doanh, sản xuất thì không cần lập hóa đơn, không cần nộp thuế GTGT.
Kết luận
Bài viết trên đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quy định về xuất hóa đơn và không xuất hóa đơn GTGT. Mong rằng những thông tin này có thể giúp ích, hỗ trợ bạn trong công việc.
Quý khách có nhu cầu về dịch vụ kế toán, hãy liên hệ ngay Kế Toán An Phú:
Trụ sở: 91 Đinh Tiên Hoàng, Phường 3, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
ĐT: 0902574504 – 0989778322
Email: ketoanthueanphu@gmail.com
Website: https://ketoananphu.dev