Nội dung chính
Lập báo cáo thuế là một bước quan trọng mà bất kỳ hộ kinh doanh nào cũng cần thực hiện để đảm bảo tuân thủ pháp luật tuy nhiên không phải ai cũng có thể nắm rõ quy trình này. Trong bài viết này, Kế Toán An Phú sẽ hướng dẫn chi tiết cách làm báo cáo thuế cho hộ kinh doanh, từ việc xác định các loại thuế cần nộp đến các phương pháp kê khai thuế phù hợp.
Hộ kinh doanh có cần phải kê khai thuế không?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hộ kinh doanh dù có quy mô nhỏ hay lớn đều phải thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế. Việc kê khai thuế không chỉ giúp hộ kinh doanh tuân thủ pháp luật mà còn là cơ sở để đảm bảo hoạt động kinh doanh minh bạch và hợp pháp. Tùy theo từng loại hình kinh doanh, hộ kinh doanh sẽ phải kê khai và nộp các loại thuế như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng (GTGT) hoặc thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Việc không thực hiện kê khai thuế đúng hạn có thể dẫn đến những rủi ro pháp lý và các khoản phạt không mong muốn từ cơ quan thuế.
Những loại thuế hộ kinh doanh buộc phải nộp
Hộ kinh doanh thường phải nộp những loại thuế sau:
Thuế môn bài
Đây là khoản thuế cố định dựa trên doanh thu bình quân hàng năm. Có 3 mức thuế môn bài: 1 triệu, 500 nghìn, và 300 nghìn đồng/năm sẽ tùy thuộc vào doanh thu.
Thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Áp dụng cho các giao dịch bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ, thuế GTGT thường được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu.
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
Áp dụng với thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh, thuế TNCN cũng được tính dựa trên doanh thu, sau khi trừ đi chi phí hợp lý.
Các phương pháp báo cáo thuế cho hộ kinh doanh
Phương pháp kê khai thuế
Dựa theo Khoản 3, Điều 3, Thông tư 40/2021/TT-BTC có quy định: “Phương pháp kê khai là phương pháp khai báo thuế, tính thuế theo tỷ lệ dựa trên doanh thu thực tế phát sinh theo từng kỳ tháng hoặc quý.”
Vậy thì hộ kê khai chính là hộ kinh doanh:
- Kê khai định kỳ theo từng tháng/quý.
- Tổng doanh thu năm trước và trên 50 tỷ: Sẽ kê khai thuế theo tháng
- Tổng doanh thu năm trước và từ dưới 50 tỷ và HKD mới thành lập: Kê khai thuế sẽ theo quý.
Báo cáo thuế dựa từng lần phát sinh
Theo khoản 5, điều 3 Thông tư 40/2021/TT-BTC có quy định: “Phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh là phương pháp khai thuế và tính thuế theo tỷ lệ doanh thu thực tế từng lần phát sinh”.
Như vậy, kê khai theo lần phát sinh sẽ là hộ kinh doanh:
- Không bắt buộc kê khai định kỳ.
- Không cần nộp thuế khoán mỗi năm.
- Kê khai khi mua hoá đơn chính tại chi cục thuế trực thuộc.
Phương pháp thuế khoán
Theo Khoản 7, Điều 3, Thông tư 40/2021/TT-BTC đã có quy định “Phương pháp thuế khoán là phương pháp tính thuế theo tỷ lệ dựa trên doanh thu khoán do cơ quan thuế xác định để tính mức thuế khoán theo quy định ở Điều 51 Luật Quản lý thuế”
Hộ khoán khai báo thuế khoán ổn định 01 lần/năm theo tờ khai mẫu 01/CNKD được ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/06/2021 của Bộ Tài chính do CQT cung cấp. Đối với hộ khoán nếu có dùng hóa đơn do Cơ quan thuế cấp theo từng lần phát sinh thì doanh thu và mức thuế khoán sẽ được xác định từ đầu năm không bao gồm doanh thu và thuế do dùng hóa đơn.
Hộ khoán sẽ là hộ kinh doanh:
- Không buộc kê khai định kỳ.
- Phải đóng thuế khoán mỗi năm.
- Kê khai thuế theo từng lần phát sinh thời điểm có nhu cầu mua hoá đơn.
Hướng dẫn cách làm báo cáo thuế cho hộ kinh doanh
Xác định đối tượng hộ kê khai
Hộ kinh doanh (HKD) là hộ kê khai khi thuộc các đối tượng sau:
- HKD với quy mô lớn.
- HKD chưa đủ tiêu chí quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp dạng kê khai.
Trong đó, tiêu chí để xác định quy mô lớn của HKD bao gồm những yếu tố về doanh thu hoặc số lượng lao động, cụ thể:
- Đối với ngành nghề kinh doanh về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng thì là hộ có số lao động tham gia BHXH/năm từ khoảng 10 người trở lên hoặc tổng doanh thu của năm liền kề trước đó đạt từ 3 tỷ đồng trở lên.
- Ngành nghề kinh doanh là thương mại hoặc dịch vụ thì là hộ có số lượng lao động tham gia BHXH từ 10 người trở lên bình quân năm hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề sẽ từ trên 10 tỷ đồng.
Hộ kê khai phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn và chứng từ theo Thông tư 88/2021/TT-BTC ngày 11/10/2021 của Bộ Tài chính từ ngày 01/01/2022. Nếu hộ trong lĩnh vực, ngành nghề có căn cứ xác để định được doanh thu kinh doanh theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không cần phải thực hiện chế độ kế toán.
Lập hồ sơ khai thuế cho hộ kê khai
Hồ sơ khai thuế đối với hộ kê khai thường bao gồm:
- Tờ khai báo thuế mẫu số 01/CNKD ban hành theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.
- Phụ lục bảng kê về hoạt động kinh doanh trong kỳ mẫu số 01-2/BK-HĐKD theo Thông tư 40/2021/TT-BTC. Trường hợp hộ kê khai nếu có căn cứ xác định được doanh thu dựa theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không cần phải nộp Phụ lục Bảng kê mẫu số 01-2/BK-HĐKD.
Nộp hồ sơ khai thuế
Địa điểm: Hộ kê khai nộp hồ sơ khai báo thuế tại Chi cục thuế quản lý trực tiếp nơi hộ kê khai hoạt động kinh doanh và sản xuất.
Thời hạn:
- Thời hạn nộp hồ sơ khai báo thuế của hộ kê khai thuế theo tháng được tính chậm nhất vào ngày thứ 20 của tháng tiếp theo.
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của hộ kê khai theo quý chậm nhất sẽ là ngày cuối của tháng đầu quý tiếp theo liền kề quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Nộp tiền thuế.
- Thời hạn nộp tiền thuế chậm nhất là ngày cuối cùng thời hạn nộp hồ sơ khai báo thuế. Tức là nộp tờ khai báo thuế ngày nào thì sẽ nộp tiền thuế ngày đó.
- Trường hợp khai bổ sung cho hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế nếu có sai, sót.
Những điều cần lưu ý khi lập báo cáo thuế cho hộ kinh doanh
- Thời hạn nộp thuế: Luôn bảo đảm nộp tờ khai và tiền thuế đúng hạn, chậm nộp sẽ bị phạt lãi suất hoặc sẽ xử lý vi phạm hành chính.
- Kiểm tra tính chính xác: Trước khi nộp báo cáo, hãy kiểm tra kỹ lại các thông tin như doanh thu, chi phí, số thuế phải nộp để tránh có sai sót.
- Lưu giữ hồ sơ: Hãy lưu giữ những chứng từ, hóa đơn ít nhất trong 10 năm để đối chiếu trường hợp cần thiết.
Những điều cần lưu ý khi lập báo cáo thuế cho hộ kinh doanh
Báo cáo thuế là nhiệm vụ không thể thiếu đối với hộ kinh doanh. Việc nắm rõ các loại thuế, phương pháp kê khai và các quy định liên quan sẽ giúp bạn hoàn thành nghĩa vụ thuế một cách hiệu quả, tránh được các rủi ro pháp lý. Hãy đảm bảo tuân thủ đúng quy định để hoạt động kinh doanh của bạn luôn thuận lợi.